Trong văn hóa Tía Hán và lam Hán

Chất màu lam Hán dường như được ưa thích hơn vào thời kỳ đầu (nhà Chu), còn chất màu tía Hán được ưa thích hơn vào thời kỳ cuối (khoảng từ năm 400 TCN trở đi).[4]

Các chất màu Hán này bao gồm các tổ hợp đa dạng của các thành phần lam, tía và không màu.[2] Việc nghiền các chất màu tía Hán và lam Hán cùng nhau có thể cho phép tạo ra nhiều sắc độ lam-tía.[8]

Các chất màu này được sử dụng trong:

Chuỗi hạt

Một số ví dụ sớm nhất về việc sử dụng các chất màu Hán là những chuỗi hạt có từ thời Tây Chu. Các chất màu này có mặt ở dạng thể đặc hoặc trong các lớp tráng men.[4]

Thỏi lăng trụ bát giác

Các thỏi lăng trụ bát giác là những thỏi đặc hình lăng trụ có đáy hình bát giác, với các sắc thái từ màu lam nhạt đến màu tía đậm. Khoảng màu sắc này là do tỷ lệ khác nhau của các chất màu lam Hán, tía Hán và vật liệu không màu.[1] Chúng được coi là những thanh màu có thể mua bán để sau đó nghiền và sử dụng làm màu nền trong sơn và trang trí.[5][10] Bản thân chúng có thể có tầm quan trọng, như là các đồ vật phục vụ nghi lễ hay mang biểu trưng quyền lực của tầng lớp quan lại.[1]

Đội quân đất nung

Các chất màu tía Hán và lam Hán lần đầu tiên được sử dụng trong trang trí vào triều đại nhà Tần. Màu tía Hán được sử dụng cho đội quân đất nung trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng - chi phí cao trong sản xuất chất màu tía Hán và các chất màu khác với số lượng lớn như vậy nhấn mạnh độ sang trọng và địa vị của chủ nhân ngôi mộ.[3] Màu tía Hán dường như đã được sử dụng chủ yếu trên quần của các chiến binh.[3] Nhiều khả năng chất màu này được kết dính với bề mặt đồ đất nung bằng nhựa cây sơn.[16][17] Các chiến binh được nung ở nhiệt độ tương đương với nhiệt độ cần thiết để sản xuất tía Hán (950–1.050 °C [1.740–1.920 °F]), vì thế có thể sử dụng cùng một kiểu lò nung cho cả hai quy trình.[14] Không có bằng chứng nào cho thấy màu lam Hán được sử dụng cho các chiến binh (azurit được sử dụng để tạo màu lam).[3][4]

Tượng gốm trang trí

Người ta đã tìm thấy những bức tượng nhỏ bằng gốm được vẽ màu trang trí, ví dụ: các lăng mộ Sở vương thời Tây Hán ở Từ Châu, tỉnh Giang Tô[18] cũng như trong Dương lăng của Hán Cảnh Đế (157–141 TCN) và Hiếu Cảnh Vương hoàng hậu.[19]

Đồ đựng bằng gốm

Các chất màu lam Hán và tía Hán cũng được sử dụng để trang trí đồ gốm màu xám sẫm thời Hán gọi là hồ (壺).[1][2]

Đồ vật kim loại

Các đồ đựng bằng đồng thanh thời Hán, như bát và phần trên của nồi hấp, được trang trí bằng chất màu tía Hán.[2]

Bích họa

  • Rầm đỡ (lanh tô) và trán tường từ các lăng mộ thời Hán gần Lạc Dương được trang trí bằng chất màu lam nhạt bao gồm các thành phần màu lam, tía và không màu.[1]
  • Các bích họa lăng mộ thời Đông Hán ở khu vực Tây An là những ví dụ cuối cùng về việc sử dụng chất màu tổng hợp bari đồng silicat (màu tía Hán).[18]